(1) Trường phái tân cổ điển không hoàn toàn đồng ý với quan điểm tăng trưởng dân số là một hiện tượng “ngoại sinh” hoàn toàn. Họ nhấn mạnh vai trò của các bậc cha mẹ như những người “khôn ngoan và biết cân nhắc” khi quyết định số con mong muốn. Theo Todaro, một trong những đại diện tiêu biểu của trường phái này, dựa trên lý thuyết hành vi người tiêu dùng, mỗi cá nhân có một “sở thích nhất định” trong việc tiêu dùng các hàng hóa, thể hiện thông qua các đường thỏa dụng.
Trong đó, họ sẽ cố gắng tối đa hóa độ thỏa dụng trong điều kiện giới hạn của thu nhập (giới hạn ngân sách) và giá cả tương đối của các loại hàng hóa. Vận dụng lý thuyết này vào phân tích vấn đề sinh con, trẻ em được xem là một hàng hóa tiêu dùng đặc biệt (hay hàng hóa đầu tư, trong trường hợp các quốc gia chậm phát triển).
Khi đó, quyết định sinh con sẽ được xem là một quyết định kinh tế, phụ thuộc vào cầu sinh con của gia đinh đó so sánh với các hàng hóa khác. Hiệu ứng thu nhập (income effect) và hiệu ứng thay thế (substitution effect) cũng phát huy tác dụng tương tự như các phân tích khác về hành vi người tiêu dùng.
Nghĩa là, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, số con mong muốn của các hộ gia đinh thay đổi phụ thuộc trực tiếp vào thu nhập của hộ gia đình đó (mối liên hệ này có thể không đúng trong trường hợp của các quốc gia nghèo nhất; nó phụ thuộc vào độ mạnh yếu cua cầu sinh con tương đối so với các hàng hóa tiêu dùng khác và phụ thuộc vào nguồn gốc của thu nhập tăng thêm, ví dụ như phụ nữ phải đi làm để kiếm thêm thu nhập…), tỷ lệ nghịch với giá cả (chi phí) của việc sinh con và tỷ lệ nghịch với nhu cầu đối với các hàng hóa tiêu dùng khác so sánh với việc sinh con.
Đọc thêm tại : http://giatrikinhtehoc.blogspot.com/2015/06/tac-ong-truc-tiep-tu-ty-le-sinh-va-ty.html